Đã bao giờ bạn rơi vào trạng thái vui buồn lẫn lộn chưa? Hoặc đã bao giờ bạn cảm thấy những cảm xúc của mình thật khó diễn tả thành lời?
Thực ra, một trong những nguyên nhân lớn khiến mình rơi vào trạng thái này là mình không có thói quen gọi tên cảm xúc, hoặc cũng chẳng đủ vốn từ về cảm xúc để gọi chúng ra cơ.
     Bánh xe cảm xúc là một công cụ hiệu quả giúp mình nhận diện và tăng hiểu biết về những trạng thái, tâm trạng. Ngoài ra, công cụ này cũng giúp bạn hiểu hơn về những cảm xúc đối lập và cách những cảm xúc phức tạp có thể được tạo ra như thế nào.

Bánh xe cảm xúc

01-qr-bánh xe cảm xúc

Bánh xe cảm xúc là gì?

    Tiến sĩ tâm lý học Robert Plutchik (21/10/1927 – 29/04/2006) đã nghiên cứu và chỉ ra có tám cảm xúc chính: tức giận, sợ hãi, buồn bã, ghê tởm, ngạc nhiên, mong đợi, tin tưởng và vui vẻ. Theo ông, những cảm xúc trên là tác nhân kích hoạt những hành vi có tính sinh tồn cao, ví dụ nỗi sợ tạo ra phản ứng chiến hay biến.

    Bánh xe cảm xúc, được tạo ra vào năm 1980 dựa trên lý thuyết trên, là một biểu đồ hình tròn mô tả sự phong phú của cảm xúc, cường độ của các cảm xúc và mối liên hệ của chúng với nhau. Trong đó, 8 cảm xúc cơ bản tạo thành những cặp đối lập như sau:

Vui vẻ – Buồn bã

Tin tưởng – Chán ghét

Giận dữ – Sợ hãi

Mong đợi – Bất ngờ

Những cánh hoa cảm xúc

    Những cảm xúc tương tự được nhóm vào cũng nhau bằng màu sắc, xếp theo thứ tự các lớp và thành hình những cánh hoa. 8 cảm xúc cốt lõi được nằm trong lớp ở giữa (vòng tròn thứ 2).

Càng vào tâm vòng tròn, màu càng đậm, đồng nghĩa với việc cường độ của các cảm xúc cũng tăng dần. Ví dụ, ở trung tâm bánh xe, những cảm xúc chính thay đổi từ: tức giận đến thịnh nộ; mong đợi đến cảnh giác; vui vẻ đến ngây ngất; tin tưởng đến ngưỡng mộ; sợ hãi đến khiếp đảm; bất ngờ đến kinh ngạc; buồn bã đến đau buồn; chán nản đến ghê tởm. Ở lớp ngoài cùng, màu sắc trở nên nhạt hơn hơn, cường độ cảm xúc giảm xuống.

Công thức của cảm xúc

Những cảm xúc không thuộc một nhóm cụ thể nào, hay nói cách khác là không nằm trong những cánh hoa, là những cảm phức tạp được tạo nên từ 8 cảm xúc cốt lõi. Cụ thể là:

Mong đợi + Vui vẻ = Lạc quan (trái ngược với chối bỏ)

Vui vẻ + Tin tưởng = Yêu mến (trái ngược với sự hối hận)

Tin tưởng + Sợ hãi = Quy phục (trái ngược với hiếu thắng)

Sợ hãi + Bất ngờ = Kinh sợ (trái ngược với hung hăng)

Bất ngờ + Buồn bã = Chối bỏ (trái ngược với lạc quan)

Buổn bã + Chán ghét = Hối hận (trái ngược với yêu mến)

Chán ghét + Giận dữ = Khinh thường (trái ngược với quy phục)

Tức giận + Mong đợi = Hiếu thắng (trái ngược với kinh sợ)

Cách sử dụng Bánh xe cảm xúc

Xác định và gọi tên cảm xúc của bạn
    Thường xuyên check-in cảm xúc của bạn trong suốt cả ngày hoặc mỗi khi cần. Sử dụng bánh xe cảm xúc như một công tham khảo để xác định và gọi tên cảm xúc dễ dàng hơn. Bắt đầu với các từ chung chung, sau đó thu hẹp xuống những cảm xúc cụ thể. Cố gắng thành thật hết sức có thể với chính mình về những gì đang cảm thấy, sau đó dành chút thời gian để suy ngẫm xem điều gì đã gây ra cảm xúc đó. Hãy xem xét những hoàn cảnh, suy nghĩ và sự kiện dẫn đến cảm xúc của bạn.
 
Điều tiết và bộc lộ cảm xúc một cách hợp lý
    Việc bộc lộ cảm xúc một cách hợp lý, lành mạnh và không gây tổn hại đến người khác có thể ngăn ngừa hiện tượng dồn nén và hỗ trợ việc điều tiết cảm xúc. Một số chiến lược thường được gợi ý là:
 
  • Nói chuyện với người mà bạn tin tưởng
  • Viết nhật ký
  • Tham gia vào các hoạt động sáng tạo
  • Thở sâu
  • Chánh niệm
  • Thiền
  • Tập thể dục.
Cải thiện giao tiếp
    Khi tương tác với người khác, hãy nói cụ thể về cảm xúc mà bạn đang trải qua. Cố gắng giao tiếp cởi mở và thấu cảm với những người xung quanh, bạn cũng có thể hướng dẫn họ sử dụng bánh xe cảm xúc để giao tiếp và bày tỏ bản thân.
 
Thiết lập mục tiêu cá nhân
    Sử dụng sự hiểu biết của bạn về cảm xúc để đặt ra các mục tiêu phát triển bản thân, bao gồm việc kiểm soát cơn giận, giảm bớt lo lắng hoặc tăng cảm giác hạnh phúc, hài lòng.