Trí tuệ cảm xúc (EQ)

    Bất cứ ai cũng có thể trở nên giận dữ – đó là điều rất dễ xảy ra. Tuy nhiên, để giận đúng người, với mức độ thích hợp, đúng thời điểm, vì những lý do chính đáng và biểu lộ sự tức giận đúng cách – lại là điều không dễ. – ARISTORE.

    Với quan điểm IQ là chỉ số thông minh do di truyền, không thể thay đổi và số phận cá nhân phần lớn đã được định trước. Vậy cái gì giúp chúng ta thành công hơn trong cuộc sống? Đâu là những nhân tố tác động? Vì sao có những trường hợp IQ cao nhưng thất bại, trong khi IQ khiêm tốn lại có thành công? Sự khác biệt chính là năng lực mà chúng ta gọi là trí tuệ cảm xúc.

Trí tuệ cảm xúc là gì?

    Cụm từ: “Trí tuệ cảm xúc” được nghiên cứu gần dưới một thế kỷ nhưng ra đời khoảng 20 năm và phổ biến rộng rãi khoảng 10 năm gần đây. Khái niệm trí tuệ cảm xúc là năng lực cảm xúc của cá nhân, liên cá nhân, các kỹ năng ảnh hưởng tới khả năng thành công trong việc ứng phó với đòi hỏi và áp lực của môi trường (Bar-On, 1997). Theo Reuven BarOn thì EI (Emotional Intelligence) hoặc EQ (emotional intelligence quotient) là hiểu mình và người khác, quan hệ tốt với người khác và thích nghi, ứng phó với môi trường xung quanh để thành công hơn trong việc xử lý những đòi hỏi của môi trường.

Hiện tại, EQ được xác định bởi những khả năng:

Daniel Goldman, Tiến sĩ tâm lý học tại ĐH Harvard, đã mở rộng mô hình trí tuệ cảm xúc của Mayer (2004) và nói đến 5 khía cạnh để phát triển EQ, bao gồm :

1. Khả năng tự nhận thức

Tự nhận thức đề cập đến khả năng nhận biết và hiểu cảm xúc cũng như hiểu được hành động, tâm trạng và cảm xúc của người khác ảnh hưởng như thế nào đến mình. Tự nhận thức cũng bao gồm việc nhận ra rằng cảm giác của chúng ta và những gì chúng ta làm có liên quan với nhau, đồng thời nhận thức được điểm mạnh và hạn chế của bản thân. Tự nhận thức gắn liền với việc cởi mở với những trải nghiệm, ý tưởng mới và học hỏi từ các tương tác xã hội.

2. Khả năng tự thích ứng

Khía cạnh này của EQ liên quan đến việc thể hiện cảm xúc một cách thích hợp. Tự thích ứng bao gồm tính linh hoạt, khả năng ứng phó với sự thay đổi và quản lý xung đột. Nó cũng đề cập đến việc xử lý các tình huống khó khăn, căng thẳng, và nhận thức được hành động của mình ảnh hưởng đến người khác như thế nào, đồng thời làm chủ được những hành động này.

3. Kỹ năng xã hội

Kỹ năng xã hội là khả năng tương tác với người khác. Nó liên quan đến việc áp dụng những hiểu biết về cảm xúc của bản thân và người khác để giao tiếp, tương tác trong cuộc sống hàng ngày. Các kỹ năng xã hội khác nhau bao gồm: lắng nghe tích cực, giao tiếp bằng lời nói, giao tiếp phi ngôn ngữ, khả năng lãnh đạo và phát triển mối quan hệ.

4. Sự đồng cảm

Đồng cảm là khả năng có thể hiểu được cảm giác của người khác, cho phép một cá nhân phản ứng phù hợp trong các tình huống giao tiếp dựa trên việc nhận ra cảm xúc của đối phương. Năng lực đồng cảm cũng cho phép ta truyền động lực và gây ảnh hưởng tới người khác, nhất là trong các mối quan hệ tại nơi làm việc.

5. Động lực

Động lực, khi được coi là một thành phần của EQ, đề cập đến động lực nội tại, tức là một cá nhân cố gắng để đáp ứng nhu cầu và mục tiêu cá nhân, thay vì bị thúc đẩy bởi những phần thưởng bên ngoài như tiền bạc, danh tiếng và sự công nhận. Những người có động lực nội tại thường là người có định hướng hành động và đặt mục tiêu. Những cá nhân như vậy thường có nhu cầu đạt được thành tích cao và hướng tới hoàn thiện bản thân. Họ cũng có tính cam kết cao hơn và chủ động hơn.

Cụ thể, trí tuệ cảm xúc ảnh hưởng đến:

Hiệu suất trong công việc hoặc học tập: Trí tuệ cảm xúc cao có thể giúp bạn ứng phó với các tình huống tương tác, giao tiếp phức tạp ở trường học và nơi làm việc, dẫn dắt và tạo động lực cho người khác. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp coi trí tuệ cảm xúc là một yếu tố quan trọng và sử dụng bài kiểm tra EQ trong qua trình tuyển dụng.

Sức khỏe thể chất của bạn: Khó khăn trong việc quản lý căng thẳng và xử lý những cảm xúc khó có thể dẫn đến các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng. Stress không được kiểm soát sẽ làm tăng huyết áp, ức chế hệ thống miễn dịch, tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ, góp phần gây vô sinh và đẩy nhanh quá trình lão hóa. Bước đầu tiên để cải thiện trí tuệ cảm xúc là học cách quản lý căng thẳng.

Sức khỏe tinh thần của bạn: Cảm xúc và căng thẳng không được điều tiết hợp lý cũng ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của bạn, khiến bạn dễ bị lo lắng và trầm uất. Nếu bạn không thể thấu hiểu hoặc quản lý cảm xúc của mình, bạn cũng có nguy cơ gặp khó khăn trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ, gây ra trạng thái cô đơn, cảm giác bị cô lập và làm trầm trọng thêm những vấn đề về sức khỏe tinh thần.

Các mối quan hệ của bạn: Bằng cách thấu hiểu và điều tiết cảm xúc, bạn có thể thể hiện bản thân tốt hơn và hiểu cảm giác của người khác. Điều này cho phép bạn giao tiếp hiệu quả và tạo dựng các mối quan hệ bền chặt, cả trong công việc, học tập lẫn cuộc sống cá nhân.