Chú tâm và sức khỏe tinh thần

    Chú tâm (Mindfulness, có thể dịch là Chánh niệm) là khả năng cơ bản của con người để có mặt trọn vẹn trong giây phút hiện tại, nhận thức một cách đầy đủ mình đang ở đâu và đang làm gì, đồng thời không phản ứng thái quá hoặc bị choáng ngợp bởi những gì đang diễn ra xung quanh.

    Bất cứ khi nào bạn đang nhận thức cao độ về những gì bạn đang trực tiếp trải qua hoặc trạng thái tinh thần của mình, bạn đang chú tâm. Mặc dù đây là món quà mà tất cả chúng ta đều có, nhưng vì nhịp sống hối hả hằng ngày, khả năng này thường bị lãng quên, hoặc mai một đi ít nhiều. 

Lợi ích của chú tâm

    Dành quá nhiều thời gian để lo nghĩ, mơ mộng hoặc suy tư về cuộc sống có thể khiến bạn kiệt sức. Nó cũng gây ra trạng thái căng thẳng, lo lắng, thậm chí dẫn đến các triệu chứng trầm cảm. Thực hành các bài tập chú tâm có thể giúp bạn hướng sự chú ý của mình ra khỏi những suy nghĩ không lành mạnh. Có nhiều bằng chứng khoa học cho thấy luyện tập chú tâm có thể hữu ích trong những trường hợp:
  • Lo âu.
  • Hen suyễn.
  • Ung thư.
  • Đau mãn tính.
  • Trầm cảm.
  • Bệnh tim.
  • Huyết áp cao.
  • Hội chứng ruột kích thích.
  • Các vấn đề về giấc ngủ.
  • Căng thẳng.

Luyện tập chú tâm sẽ hỗ trợ bạn cân bằng và chấp nhận cảm xúc, suy nghĩ của bản thân tốt hơn. Hoạt động này đã được chứng minh, giúp:

  • Tăng cường khả năng đối phó với căng thẳng
  • Gia tăng khả năng tự nhận thức.
  • Tập trung vào hiện tại.
  • Giảm cảm giác tiêu cực.
  • Phát triển khả năng sáng tạo.
  • Tăng tính kiên nhẫn.
  • Điều hòa nhịp tim, huyết áp
  • Cải thiện giấc ngủ

Một số phương pháp giúp luyện tập chú tâm

Tập trung vào các giác quan. Cố gắng dành thời gian để trải nghiệm môi trường xung quanh bạn bằng tất cả các giác quan – xúc giác, âm thanh, thị giác, khứu giác và vị giác. Ví dụ, khi bạn ăn một món ăn yêu thích, hãy dành thời gian để ngửi, nếm và thực sự thưởng thức nó.

Ở lại với khoảnh khắc. Hãy cố gắng chú ý, để tâm tới những việc đang làm một cách có chủ ý. Tìm niềm vui thú từ những điều nhỏ nhặt hàng ngày bạn trải qua.

Chấp nhận bản thân. Hãy đối xử với bản thân như cách bạn đối xử với một người bạn tốt.

Tập trung vào hơi thở. Khi bạn có những suy nghĩ tiêu cực, hãy cố gắng ngồi xuống, hít một hơi thật sâu và nhắm mắt lại. Cảm nhận hơi thở vào và ra khỏi cơ thể. Ngồi và thở dù chỉ một phút cũng đủ giúp ích cho bạn rồi.

Bạn cũng có thể thử các bài tập có cấu trúc hơn, chẳng hạn như:

Thiền quét cơ thể. Nằm ngửa, hai chân duỗi thẳng và hai tay ở hai bên, lòng bàn tay hướng lên. Tập trung sự chú ý của bạn một cách chậm rãi và có chủ ý vào từng bộ phận trên cơ thể, theo thứ tự, từ đầu đến chân hoặc từ chân lên đầu. Hãy nhận biết mọi cảm giác, cảm xúc hoặc suy nghĩ liên quan đến từng bộ phận trên cơ thể đang xuất hiện trong quá trình thực hiện hoạt động này.

Ngồi thiền. Ngồi thoải mái, thẳng lưng, bàn chân đặt phẳng trên sàn và đặt tay lên đùi. Thở bằng mũi, tập trung vào hơi thở đang vào và ra khỏi cơ thể. Nếu có cảm giác hoặc suy nghĩ nào làm gián đoạn quá trình thiền định của bạn, ghi nhận trải nghiệm đó và nhẹ nhàng kéo tâm trí trở lại với hơi thở.

Thiền động. Tìm một nơi yên tĩnh, rộng rãi, đi bộ một cách chậm rãi. Tập trung vào trải nghiệm khi đi, cảm nhận và quan sát những chuyển động tinh tế giúp bạn giữ thăng bằng. Khi bạn đi đến cuối con đường, hãy quay lại và tiếp tục bước đi, duy trì sự chú tâm vào cảm giác của cơ thể.